Main » 2011»June»10 » Vừa cắt cáp, Trung Quốc vừa vu cáo Việt Nam tấn công tàu cá
8:45 PM
Vừa cắt cáp, Trung Quốc vừa vu cáo Việt Nam tấn công tàu cá
Sau khi bị Việt Nam cáo buộc Trung Quốc một lần nữa quấy nhiễu tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam ở Biển Đông, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã đưa ra những tuyên bố thậm chí cứng rắn hơn các lần trước.
Dù đã phát pháo hiệu cảnh báo, tàu cá Trung Quốc vẫn lao vào với tốc độ cao để phá cáp thăm dò tàu VikingII
Tân Hoa Xã dẫn lời ông này lớn tiếng rằng, Việt Nam đã “vi phạm nghiêm trọng” chủ quyền Trung Quốc và gây nguy hiểm cho mạng sống các thủy thủ của Trung Quốc trong một tranh chấp chủ quyền đang leo thang.
Trong vòng hai tuần lễ, tàu Trung Quốc đã hai lần cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam khi các tàu thăm dò hoạt động trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thế nhưng, người phát ngôn Trung Quốc đã không ngại ngần cáo buộc Việt Nam làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Thậm chí, ông này nói rằng, Trung Quốc là nạn nhân trong vụ đụng độ mới nhất khi tàu cá nước này vướng cáp của tàu Việt Nam và bị kéo đi khoảng hơn một giờ.
Tàu Trung Quốc liều lĩnh lao vào phá cáp tàu Việt Nam nhưng người phát ngôn Hồng Lỗi lại nói: “Hành động này gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sự an toàn của các ngư dân Trung Quốc”.
Hết dùng hải giám lại đến tàu cá
Hôm qua (9/6), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận việc tàu cá Trung Quốc cắt cáp tàu địa chấn Việt Nam xảy ra sáng cùng ngày. Cụ thể là vào lúc 6h sáng 9/6, tàu Viking 2 do PetroVietnam thuê đang tiến hành hoạt động thăm dò thì bị tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 6226, cùng hai tàu ngư chính yểm trợ mang số hiệu 311 và 303, chạy ngang qua mũi tàu sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ.
Tàu Viking 2 đã phát pháo hiệu cảnh cáo song các tàu này vẫn lao vào, bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu cá 6226 mắc vào tuyến cáp của Viking 2 khiến tàu thăm dò của Việt Nam không thể hoạt động bình thường. Hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng một số tàu cá khác của Trung Quốc sau đó đã tiến vào giải cứu tàu 6226.
Cho biết khu vực xảy ra sự việc (lô 136/03 tại 6o47,5 Bắc, 109o17,5 Đông) nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, bà Nga nhận định hành động này của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng.
Vậy mà trong cuộc họp báo sau đó, theo tin của Reuters, ông Hồng Lỗi đã cáo buộc Việt Nam vi phạm chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Trường Sa và các khu vực lân cận. "Cần phải chỉ ra rằng, với việc tiến hành thăm dò dầu khí trái phép ở vùng biển của quần đảo Trường Sa và đuổi tàu cá Trung Quốc, Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc”, ông này nói. "Trung Quốc yêu cầu Việt Nam ngừng mọi vi phạm và không nên có các hành động làm phức tạp và mở rộng tranh cãi”.
Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn vùng biển này bằng cách đưa ra bản đồ hình chữ U bao trùm gần như toàn bộ vùng biển kể cả các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Cảnh báo Mỹ, mắng Philippines
Mỹ - quốc gia chiếm ưu thế quân sự ở Thái Bình Dương với các căn cứ tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã bị cuốn vào những căng thẳng hàng hải với Trung Quốc. Năm ngoái, Washington đã nhấn mạnh sự ủng hộ của họ với một giải pháp tập thể trong khu vực để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại chỉ muốn hội đàm riêng rẽ với từng nước có liên quan.
David Carden, Đại sứ Mỹ tại ASEAN trong tháng trước đã nói tại Manila rằng, các bên tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa cần tạo ra một cơ chế khu vực mạnh mẽ để giải quyết tranh chấp. Ông nói, Mỹ có thể giúp đỡ.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại Manila (Philippines) hôm qua, đại sứ Trung Quốc Lưu Kiến Siêu đã nói rằng, Trung Quốc sẽ chỉ thảo luận về các tranh chấp bằng con đường song phương với các nước tuyên bố khác. "Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp”, ông thậm chí nhấn mạnh, chính phủ Mỹ không nên can thiệp vào tranh chấp Biển Đông và để cho các bên tuyên bố chủ quyền giải quyết vấn đề theo cách của họ thông qua các biện pháp hòa bình.
Không chỉ nhất mực phủ nhận sự sai trái của các tàu Trung Quốc ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, các quan chức Trung Quốc cũng có động thái tương tự trước hàng loạt phản đối, cáo buộc từ Philippines.
Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) gần đây đã nhiều lần phản đối hành động ngày một gia tăng của các tàu Trung Quốc ở khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền. Từ 31/5-4/6, Philippines đã hai lần chuyển lời phản đối tới đại sứ quán Trung Quốc ở Manila. Quan chức Philippines cáo buộc lực lượng Trung Quốc đã 6 lần xâm nhập vào khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền kể từ tháng 2 tới nay, và bắn vào các ngư dân Philippines trong ít nhất một vụ việc.
Và đáp trả cáo buộc của Philippines, vị phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 7/6 tuyên bố: "Trung Quốc yêu cầu phía Philippines ngừng làm tổn hại tới chủ quyền và các quyền hàng hải cũng như lợi ích của Trung Quốc, dẫn tới các hành động đơn phương làm leo thang và phức tạp vấn đề tranh chấp Biển Đông. Phía Philippines nên ngừng đưa ra các tuyên bố vô trách nhiệm không phù hợp với thực tế".