Khi hôn nhân trục trặc, bạn có nghĩ rằng một người thứ ba, nhà trị liệu tâm lý sẽ giúp bạn cứu vãn nó?
Càng thẳng thắn nói chuyện, tình hình càng tệ
Nhiều người khuyên các cặp vợ chồng nên thẳng thắn chia sẻ với nhau
để hòa giải hoặc thậm chí, chia tay trong hòa bình. "Nhưng vợ chồng mình
không bao giờ có thể ngồi quá với nhau được 5 phút mà không cãi vã”,
chị Dung, trưởng phòng nhân sự một công ty bảo hiểm nói.
Không chỉ có vợ chồng chị Dung, nhiều cặp vợ chồng khác, luôn rơi vào
tình trạng khắc khẩu và cái gọi là "thẳng thắn chia sẻ” kia chẳng giúp
ích được gì ngoài việc khiến họ cứ nhìn thấy mặt là muốn cãi nhau.
"Ông ấy không thích cách mình ăn mặc nên mình chẳng bao giờ muốn khoe
cái áo mới hoặc chiếc mũ mình mới mua. Vì cứ mỗi lần nghe thấy ông ấy
chì trích "Anh không hiểu khiếu thẩm mỹ của em ở chỗ nào!” là mình lại
phát điên lên!”, chị Hồng, một giáo viên cho biết.
Cả hai vợ chồng đều nghĩ rằng mình đúng. Chị Hồng thì nghĩ rằng mình
đã bằng đủ mọi cách để cố ăn mặc sao cho vừa ý chồng còn chồng chị đơn
giản cho rằng, vợ mình không chịu để ý đến cách ăn mặc để làm đẹp mặt
chồng và đơn giản hơn, vợ mình chẳng có tí gu thẩm mỹ nào ra hồn.
Họ không biết rằng có một cách giải quyết khá dễ dàng những mâu thuẫn
quá "vớ vẩn” này của họ, đó là nhờ đến sự can thiệp của một người ngoài
cuộc, một người thứ ba đủ tỉnh táo, không bị những suy nghĩ chủ quan và
tình yêu chi phối.
Đó có thể chỉ đơn giản là một người bạn, thậm chí một nhà tâm lý,
người có khả năng dễ dàng giải mã những xung đột "không hiểu từ đâu ra”
của các cặp vợ chồng và đưa ra lời khuyên bổ ích.
Làm quen với sự có mặt của các nhà trị liệu tâm lý
Ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, các cặp vợ chồng gặp phải
trường hợp này thường đến gặp bác sĩ trị liệu tâm lý. Khi này, họ không
còn cảm thấy sợ sệt nữa bởi họ không mất gì cả khi nói điều làm họ ức
chế với nhà trị liệu tâm lý, không có nhiều rủi ro như khi họ trao đổi
trực tiếp với vợ (chồng) mình.
Từ đó, các nhà trị liệu sẽ giúp họ giải nghĩa đúng cơn giận dữ và
truyển tải một cách chính xác và khéo léo "tình cảnh” mà đôi vợ chồng
đang phải đối diện. Điều mà rất có thể nếu rơi vào tranh cãi, họ sẽ hiểu
lầm rằng đối phương không còn yêu mình nữa và cư xử không đúng mực.
Ở Việt Nam, tuy các cặp vợ chồng không có thói quen tìm đến các trung
tâm tư vấn. Họ thường tìm sự giúp đỡ từ những người thân, có thể là một
người bạn của cả hai vợ chồng, có thể là mẹ chồng hoặc thậm chí có thể
là con cái.
Những người ngoài cuộc này dù có tỉnh táo nhưng không có đủ kiến thức
tâm lý cơ bản để giãi mã sự giận dữ của đôi vợ chồng. Họ có thể khuyên
bạn bình tĩnh giải quyết sự việc nhưng ít khi nói cho bạn được ngọn
nguồn xung đột là từ đâu.
Theo ThS Tâm lý Nguyễn Bá Đạt, giảng viên khoa Tâm lý trường
ĐHKHXH&NV, Tham vấn tâm lý trung tâm Tham vấn Cpec, trường
ĐHKHXH&NV các cặp vợ chồng Việt Nam không có thói quen tham vấn các
nhà trị liệu tâm lý khi gặp khó khăn trong cuộc sống gia đình.
"Vai trò người thứ ba ở Việt Nam dù giúp giải quyết được rất nhiều
tuy nhiên, vai trò này cũng cần những nguyên tắc nhất định. Có nhiều
trường hợp hỏi ý kiến người thứ 3 còn khiến tình hình diễn biến tệ hơn
vì sự hiểu biết của người đó có hạn”, ThS Đạt cho biết.
Thậm chí, người thứ ba đó có thể thiên vị một trong hai người, chồng
hoặc vợ, dẫn đến sự việc càng trở nên không minh bạch và xung đột có
chiều hướng xấu đi. Các nhà trị liệu tâm lý sẽ công bằng với cả hai vợ
chồng vì họ không có lý do gì để thiên vị ai cả. Họ sẽ đứng ở giữa mà
nói cho bạn biết rằng bạn đã sai chỗ nào và đúng ra sao trên góc độ một
người thực sự hiểu biết về tâm lý giới”, ThS Nguyễn Bá Đạt nói.
|