HỘI ĐỒNG MÔN
NIÊN KHÓA 1991-1994
TRƯỜNG PTTH NHỊ CHIỂU
ĐĂNG NHẬP
CHUYÊN MỤC
Tin tổng hợp [8]
Kỹ năng [5]
Marketing [1]
Vui cười [11]
Đố vui [2]
Suy ngẫm [3]
Chuyên mục khác [5]
Hỗ trợ kỹ thuật [0]
CHAT BOX
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ

Total online: 1
Guests: 1
Users: 0
Monday, 2024-12-23, 8:49 AM
Main » 2011 » June » 8 » Tại sao gia đình Doanh nhân hay...tan vỡ?
10:23 AM
Tại sao gia đình Doanh nhân hay...tan vỡ?

Doanh nhân đồng nghĩa với bận rộn, nếu không biết cách cân bằng giữa công việc và gia đình, "hâm nóng ngọn lửa hạnh phúc” thì nguy cơ tan vỡ gia đình là điều khó tránh khỏi.

Chồng là doanh nhân

Thương trường như chiến trường, không đam mê không thể làm được kinh doanh. Phần lớn quỹ thời gian của các nam doanh nhân là dành cho công việc giao dịch với đối tác, khách hàng.. . và kèm theo đó là các cuộc nhậu tới khuya, hay các chuyến công tác dài ngày. Đôi khi họ quên mất mình còn có một gia đình cần quan tâm, chăm sóc. Chị Thủy có chồng là giám đốc một công ty kinh doanh vận tải tâm sự: "Công việc của anh ấy luôn bận rộn, lại thất thường. Thậm chí, vào những ngày nghỉ, hiếm khi anh có một bữa cơm ăn cùng gia đình. Việc cả hai vợ chồng đưa con đi chơi hay du lịch trở nên quá "xa xỉ".

Không riêng gia đình chị Thủy, mà đó còn như "chuyện thường ngày ở huyện” của các gia đình có chồng là doanh nhân. Đàn ông vốn vô tâm trước những việc tưởng như rất nhỏ: cùng vợ chia sẻ việc nhà, kèm con học bài, đưa vợ đi ăn nhân dịp sinh nhật hoặc kỷ niệm ngày cưới... Họ có thể tìm hiểu xem vợ, con của đối tác thích gì để mua những món quà đẹp nhất, độc nhất để lấy lòng khách hàng nhưng lại tỏ ra thờ ơ trước những người thân yêu của mình. Điều đó khiến chị em giận hờn, tình cảm vợ chồng theo đó mà nhạt dần. Thậm chí, nhiều nam doanh nhân còn mặc nhiên cho rằng, chăm sóc gia đình là thiên chức, nghĩa vụ của vợ, mình chỉ là người kiếm tiền và giải quyết những "công to, việc lớn” mà thôi. Thành ra công việc gia đình từ bếp núc, con cái đến đối nội, đối ngoại đều một tay người vợ quán xuyến. Bản chất của người phụ nữ á Đông thường cam chịu, chấp nhận hy sinh cho chồng, cho con. Nhưng đến khi quá mệt mỏi, sức chịu đựng cũng có giới hạn, nhiều người rơi vào bế tắc, đôi khi phó mặc, buông xuôi. Nhất là khi, các đức lang quân lại còn mắc thêm bệnh bồ bịch bị chị em phát giác.

Người ta vẫn nói "đàn ông mấy ai qua khỏi ải mỹ nhân", nhiều nam doanh nhân không nằm ngoài quy luật ấy. Các hợp đồng giao dịch đôi khi phải ký trên bàn nhậu. Nhiều người có thể lần đầu còn băn khoăn, do dự cho nhân cách của mình, nhưng khi bị đặt vào tình thế "mỡ treo miệng mèo" thì khó lòng từ chối. Biết thế nhưng đôi khi các bà vợ phải tặc lưỡi cho qua, bởi ai biết được khi nào "ma ăn cỗ".

Không chỉ là vui thú đằng sau các "hợp đồng", chuyện có "quan hệ mờ ám” với các em thư ký, người mẫu xinh đẹp của doanh nhân cũng là nguyên do đẩy gia đình đến bờ vực của sự tan vỡ. Nhưng nguyên nhân khiến các ông "ăn chả" đôi khi vì không tìm được sự chia sẻ, đồng cảm từ vợ. Chẳng hạn, nhiều doanh nhân nai lưng ra làm việc với mong muốn vợ con được hưởng vinh hoa phú quý, mà người bạn đời lại không hiểu. Đi làm về đã mệt, chỉ muốn được nghỉ ngơi, vợ cứ cằn nhằn, quát tháo con cái. Đến một lúc nào đó, quá mệt mỏi, cô đơn trong chính nhà mình, các ông trốn tránh bằng cách đi sớm về muộn, thậm chí đi tìm niềm vui ở chốn khác.

Vợ là doanh nhân

Nguy cơ tan vỡ gia đình không chỉ tồn tại ở các gia đình nam doanh nhân, mà gia đình nữ doanh nhân cũng không tránh khỏi, thậm chí, với các nữ doanh nhân, "hạnh phúc …mỏng như một tà áo hẹp". Khi nữ giới thành công, giữ chức vụ càng cao trong xã hội thì quỹ thời gian dành cho gia đình càng hạn hẹp. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến hạnh phúc gia đình họ không mấy trọn vẹn.

Người ta hay nói: "Đứng sau người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ đảm đang, nhưng không mấy khi ca ngợi: "Đứng sau người vợ thành đạt là người đàn ông tận tuỵ”, nên tâm lý chung của phái mày râu là không muốn vợ giỏi hơn mình, để phải mang tiếng "núp váy vợ".

Tôi được biết, có một nữ doanh nhân khá thành công trong sự nghiệp, nhưng gia đình chị không được hạnh phúc. Nguyên nhân bắt nguồn từ ngày chị từ vị trí Trưởng văn phòng đại diện cho một công ty ở TP.HCM, lên làm giám đốc. Chị luôn bận bịu với vô số công việc ở công ty, về nhà lại phải vật lộn với những việc gia đình mà không nhận được sự chia sẻ của chồng và gia đình chồng. Từ ngày chị lên chức, thái độ của chồng chị cũng khác. Sau giờ làm, anh cùng bạn la cà quán xá tới khuya, chị có nói thì anh vặc lại: "Chẳng lẽ mỗi mình cô bận?”. Sở dĩ các đức ông chồng của doanh nhân có phản ứng như vậy bởi họ tự ái, xen lẫn cảm giác tự ti khi thua kém vợ.

Nguyên nhân gia đình "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" đôi khi cũng đến từ chính các nữ doanh nhân. Là người trụ cột trong gia đình, không ít người tỏ ra coi thường chồng. Có cơ hội gặp gỡ khách hàng, đối tác là những người đàn ông giỏi giang, thành đạt, rồi đem so sánh với chồng mà trong lòng không khỏi ngán ngẩm. Sự rạn nứt trong mối quan hệ vợ chồng ngày một lớn, đến khi không thể hàn gắn được và chuyện tan vỡ hạnh phúc gia đình là điều khó tránh khỏi.

Cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình

Một gia đình đầm ấm, các thành viên trong gia đình đều yêu thương nhau là điều ai cũng mong muốn. Vậy doanh nhân nên làm gì để có một gia đình hạnh phúc, bên cạnh sự thành đạt. Anh Nguyễn Quang Khương, Giám đốc Công ty TNHH PTCN và TM Việt Quang chia sẻ: "Với tôi, biểu hiện sự quan tâm tới vợ không hẳn là thường xuyên mua hoa, quà tặng vợ, hay những lời nói bóng bẩy, mà chỉ cần một động tác nhỏ như bất ngờ thơm vào má, hay vòng tay ôm cô ấy từ phía sau khi chỉ có hai vợ chồng. Dù khá bận, nhưng cứ rảnh là tôi lại đưa vợ con đi chơi công viên hoặc đi du lịch vào những ngày nghỉ lễ. Có lẽ vì thế mà cưới nhau đã lâu nhưng tình cảm của vợ chồng tôi vẫn thắm thiết như ngày nào".

Còn chị Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ôto Hoàng Trà lại có cách xây dựng hạnh phúc gia đình riêng: "Công việc ở công ty nhiều lúc rất mệt mỏi, nhưng mình không nên mang cáu gắt, bực bội về nhà rồi trút lên chồng. Phụ nữ dù có giỏi giang, thành đạt đến đâu thì cũng vẫn phải tôn trọng chồng. Có lúc vợ chồng xích mích tôi luôn là người nhịn. Dù đều sắp bước sang tuổi 40 nhưng tuần nào chúng tôi cũng rủ nhau đi xem phim". Ngoài ra, chăm sóc, giáo dục con cái cũng là một cách để duy trì hạnh phúc gia đình. Trong đó, bố mẹ hạnh phúc sẽ là tấm gương cho con cái noi theo.

Category: Suy ngẫm | Views: 443 | Added by: hungt | Tags: Theo Thế giới doanh nhân | Rating: 0.0/0
Total comments: 0

Designed by Trần Hùng © 2024Website builderuCoz