Lễ trao giải đặc
biệt của Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF 2011) dự kiến diễn
ra từ 7-9 giờ tối 12/5 tại Los Angeles, Mỹ (tức 9-11 giờ sáng 13/5 giờ
Việt Nam), nhưng rốt cuộc kéo dài tới 10 giờ (tức 12 giờ trưa ở Việt
Nam) mới xong, do có quá nhiều giải thưởng được trao.
Hơn 300
giải thưởng đặc biệt đến từ hàng chục cơ quan chính phủ các nước, các tổ
chức, hiệp hội, các doanh nghiệp… đã được trao, trước khi lễ traogiải
chính thức của ISEF diễn ra vào ngày hôm sau (tức đêm nay giờ Việt Nam).
Một trong những cơ quan trao nhiều giải nhất, với
tổng giá trị lớn nhất là Quân đội Mỹ. Khoảng hai chục thí sinh các nước
được trao các giải từ thấp đến cao của cơ quan này, và đến cuối cùng,
giải nhất được xướng lên một cách khá "trúc trắc” nhưng cũng đủ để chúng
tôi nhận ra hai cái tên "thuần Việt” là Vũ Mai Anh và Nguyễn Quốc Bảo.
Chạy
vào sau cánh gà tìm hai bạn, tôi chờ mãi không thấy đâu, chỉ thấy cả
nhóm nhận giải của Quân đội Mỹ đứng chờ để được chụp ảnh lưu niệm, nhưng
do thiếu Mai Anh và Bảo nên chưa thực hiện được. Mãi sau thấy cả hai
chạy vào mới biết, hai em đang đi vào thì lại nghe xướng tên "giật
ngược” trở ra để lĩnh tiếp một giải nữa của Hiệp hội Hóa học Mỹ.
Mai
Anh thở hổn hển do phải chạy ngược chạy xuôi trên đôi giày cao gót
trong tình trạng hồi hộp. Em tươi cười nói một cách xúc động: "Hai giải
thưởng này là một vinh dự vô cùng lớn lao và thể hiện sự biết ơn của
chúng em với những người đã ủng hộ, giúp đỡ mình. Cha mẹ và thầy giáo
hẳn sẽ rất hạnh phúc”.
Mai Anh và Bảo là hai anh em họ. Bảo học
lớp 12, còn Mai Anh học lớp 10 trường Trung học McNeil ở thành phố
Austin, bang Texas, Mỹ. Hai anh em đều say mê hóa học. Năm ngoái Bảo đã
dự hội thi khoa học cấp thành phố và lên được tới cấp bang thì dừng
bước. Nhưng năm nay, cùng với cô em họ, cậu đã tiến được một bước dài và
tràn đầy hào hứng chuẩn bị bước vào đại học, với chuyên ngành… đương
nhiên là hóa học.
Còn Mai Anh thì vô cùng phấn khích khi lần đầu
dự thi đã được giải. Em khẳng định sang năm sẽ tiếp tục nghiên cứu để dự
thi ISEF và sẽ còn theo đuổi con đường khoa học lâu dài. Chị Nguyễn
Nghiêm, mẹ của Mai Anh, đưa hai bạn tới Los Angeles để dự thi, bày tỏ
niềm tự hào với con, cháu mình và "bật mí” rằng chị là một kỹ sư hóa học
làm trong Tập đoàn IBM, còn bố của Mai Anh, cũng là người Việt, thì là
một tiến sỹ vật lý. Quả là "con nhà tông…”.
Anh chị sang Mỹ từ
năm 1975, học trung học và đại học tại Mỹ. Mai Anh sinh tại Mỹ nhưng
được bố mẹ giáo dục nên nói tiếng Việt rất tốt và rất lễ phép. Chị
Nghiêm tự hào nhận xét rằng cô con gái duy nhất của anh chị rất thông
minh, chăm chỉ và học giỏi.
Bảo và Mai Anh đã bước đầu nghiên cứu
đúng hướng và thành công một chất "siêu xúc tác” mới, có khả năng
truyền dẫn các chất hóa học nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với các chất
hiện có; đồng thời có tiềm năng sản xuất hàng loạt một cách đơn giản và
chi phí thấp. Bảo kể trong kỳ sát hạch, các giám khảo của Quân đội Mỹ đã
tỏ ra hết sức quan tâm tới công trình này. Một chuyên gia của họ thậm
chí còn hỏi "mượn” ý tưởng của hai em để bổ sung cho một bài thuyết
trình sắp tới của ông.
Học bổng trị giá 3.000 USD của Quân đội Mỹ
và 1.000 USD của Hiệp hội Hóa học Mỹ sẽ được Bảo và Mai Anh sử dụng để
bổ sung cho chương trình đại học của mình. Hai em cũng cho biết, hy vọng
sắp tới sẽ có dịp tiếp cận và trao đổi với các công ty dược phẩm để đưa
công trình nghiên cứu của mình vào thực tế.
Ngoài Mai Anh và
Bảo, khá nhiều thí sinh đến từ khu vực Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc,
Ấn Độ..., và cả nhiều thí sinh người Mỹ gốc Á, cũng đoạt các giải trong
ngày hôm nay. Điều này cho thấy, Châu Á đang nổi lên như một lực lượng
mạnh và quan trọng của sự nghiệp nghiên cứu khoa học toàn cầu.
Đoàn Việt Nam với các em
Nguyễn Hải An,
Hà Thúc Tiến
và Đoàn Phạm Phước Long, chưa nhận được giải nào tại ISEF 2011. Chúc
các em may mắn trong lễ trao giải chính thức, và quan trọng hơn là trên
con đường học tập và nghiên cứu khoa học.